Đồng Phục học sinh ở tphcm: nhất may do, nhì đồ hiệu
PN - Chỉ mới bước vào những ngày đầu hè, nhưng thị trường đồng phục học sinh đã sôi động. Các thương hiệu như Vinatex, Việt Tiến, Sanding... cho biết, đơn hàng đồng phục đã “khóa sổ”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh chọn quần áo may đo vì bền, đẹp so với đồ may sẵn.
“Nhất may đo, nhì do hiệu, ba chọn kiểu” câu nói này được nhiều người truyền tai nhau. Hàng may đo đang phổ biến trong giới học sinh, vì thể hiện được nét riêng qua kỹ thuật cắt tạo dáng cho người mặc, các họa tiết trên đồng phục như xếp ly, bo viền, đường dằn chỉ trên cổ áo. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số nhà may trên đường Võ Thị Sáu (Q.3), Cách Mạng Tháng 8 (Q.3, Q.10) và Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), lượng khách đặt may đồng phục (đầm, sơ mi, quần tây) tăng gấp đôi năm ngoái.
Bà Tuyền ngụ ở P.12, Q.Tân Bình cho biết, đã chọn mua vải mang đến tiệm may cho con. So với giá quần áo may sẵn loại tốt nhất khoảng 250.000đ/bộ, thì hàng may đo có giá gần gấp đôi. Tuy vậy, theo bà Tuyền, hàng may đo bền chắc, đẹp. Trong khi đó, đồ may sẵn mua ở trường, chưa qua một học kỳ vải đã xuống màu, sút nút...
Sở Công thương TP.HCM cho biết, mặt hàng đồng phục học sinh tham gia chương trình bình ổn giá chiếm khoảng 20% nhu cầu thị trường. Đồng phục học sinh bán với giá bình ổn cho năm học 2011 - 2012 này có 560.000 bộ, trong tổng nhu cầu 2,8 triệu bộ. So với năm ngoái, giá đồng phục tăng khoảng từ 20% - 30% do giá nguyên phụ liệu tăng. Tính theo giá bình quân đồng phục cấp I từ khoảng 150.000đ - 170.000đ/bộ, đồng phục cấp II từ 180.000đ - 195.000đ/bộ, người dân sẽ chi khoảng 504 tỷ đồng để sắm quần áo cho con đi học. Thống kê tại siêu thị, sạp chợ và cửa hàng trên địa bàn TP.HCM có cả trăm đơn vị tham gia sản xuất đồng phục học sinh, trong đó hàng hiệu riêng chỉ có gần 10 đơn vị như Việt Tiến, Sanding, Ngọc Bích, Vinatex, Co.opmart, Tina, Duy Hằng… nhưng chiếm sản lượng gần 1/2 trong tổng nhu cầu mua sắm quần áo đồng phục. Ông Nguyễn Hữu Toàn, giám đốc Công ty thời trang Sanding cho biết: “Công ty dự kiến đưa ra thị trường 350.000 bộ đồng phục, tăng 250% so với năm ngoái”.
Mỗi đơn vị tập trung vào thế mạnh riêng. Cụ thể, Sanding chú trọng trang trí đường viền hoặc thêu công phu, có nhiều kiểu dáng để lựa chọn. Việt Tiến có ưu thế về chuẩn phom dáng, đường may; Vinatex chọn chất liệu chất lượng tốt và đa dạng như katê pha cotton, silk... Ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Tiến cho biết: “Việt Tiến xác định may đồng phục học sinh là để “nuôi” thương hiệu, không quan trọng chuyện lợi nhuận. Bởi, học sinh là khách hàng tiềm năng của công ty”.
Riêng các cơ sở sản xuất nhỏ thì tỏ ra nhạy bén khi chấp nhận giảm lãi để nhận được nhiều hợp đồng. Bà Đoàn Thanh Hương, chủ cơ sở may Thanh Hương, Q.6 cho biết, thay vì mọi năm lời trên 3.000đ/chiếc áo thì nay còn 2.000đ. Tuy nhiên, do giá cả tăng nên lượng hàng đặt bị giảm sút đáng kể. Bà Hương cho biết thêm: “Năm ngoái giá sỉ áo của học sinh tiểu học khoảng 40.000đ/cái, áo cho học sinh trung học 60.000đ/cái, nay tăng lên lần lượt trên 50.000đ và 70.000đ”. Các cơ sở nhỏ có lợi thế chiết khấu cao (lên đến 45% - 50%), trong khi các công ty chiết khấu không quá 35%. Ông Thành Văn - nhân viên tiếp thị của một cơ sở may tại Q.Tân Bình cho biết, nhiều công ty may có mạng lưới phân phối ở các hệ thống siêu thị đã chấp nhận chiết khấu 35%, và giảm thêm 10% so với giá bán ở cửa hàng. Vì thế, để cạnh tranh, các cơ sở nhỏ phải có mức chiết khấu cao hơn.
Bà Phương, chủ sạp quần áo tại chợ Phạm Văn Hai chia sẻ: “Nhiều năm trước, mỗi mùa tôi bán được cả trăm bộ, nhưng năm rồi bán chỉ vài chục bộ. Hầu hết phụ huynh chọn may đo, mua đồng phục tại trường, hay ra shop của các công ty lớn”.
Song Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét